“.::CHÀO MỪNG BẠN ĐẾN TRANG THÔNG TIN TUỔI TRẺ HUYỆN CHÂU THÀNH ::.”

CHÙA CHAMPABÔRÂY (TRỐT LÍCH)

Chùa Champabôrây còn gọi là chùa Trốt Lích hay chùa Sóc Nách tọa lạc ở khóm 5, thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh.

Chùa Champabôrây được xây dựng vào năm 1612 dương lịch, tức năm 2156 Phật lịch. Từ khi xây dựng đến nay chùa đã có 13 đời hòa thượng, thượng tọa trụ trì. Hiện tại trụ trì chùa là thượng tọa Sơn Mỹ.

Trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, sư sãi, phật tử chùa Champabôrây đã có các hoạt động yêu nước chống Pháp như: đấu tranh đòi giảm tô, giảm thuế, chống áp bức bóc lột của bọn điền chủ, thực dân và tay sai… Sư sãi, phật tử của chùa hòa chung khí thế cách mạng bằng vũ khí thô sơ dao, mác, đòn xóc, xà no với băng cờ, trống mõ đã tham gia Tổng khởi nghĩa Cách mạng tháng Tám năm 1945, buộc tề xã Đa Lộc giao chính quyền cho cách mạng vào ngày 25/8/1945.

Bước sang giai đoạn kháng chiến chống Mỹ, chùa Champabôrây có nhiều hình thức đóng góp cho cách mạng như: bí mật nuôi chứa, bảo vệ cán bộ; tổ chức, vận động phật tử quyên góp lương thực, tiền của; tiếp nhận những thanh niên không chỉ người Khmer mà cả người Kinh, người Hoa vào chùa tu học tránh bắt đi lính… Nhưng sự kiện nổi bậc nhất của chùa là khởi xướng, tham gia những cuộc đấu tranh chính trị chống Mỹ Ngụy.

Do chùa tọa lạc cách tỉnh lỵ không xa, lại kề cận trung tâm quận Châu Thành là vùng kềm gắt gao của địch, cho nên cán bộ lãnh đạo cùng nhà chùa xác định, hoạt động của chùa phù hợp nhất là tổ chức, tham gia các phong trào đấu tranh chính trị. Đây cũng là một mặt trận hết sức quan trọng để cùng với các mặt trận quân sự, binh vận và ngoại giao làm nên thắng lợi. Đối với chùa Champabôrây sư sãi, phật tử đã tham gia nhiều cuộc đấu tranh trực diện với kẻ thù trong đó có các cuộc tiêu biểu như:

– Cuộc đấu tranh chống cảnh sát bắt lính ngày 20/02/1965.

Để tăng quân số thực hiện kế hoạch bình định, từ đầu năm 1965 bọn địch ở tiểu khu Vĩnh Bình tập trung lực lượng bảo an, dân vệ và cảnh sát vây ráp chùa chiền bắt thầy tu, sư sãi chùa Kinh, Khmer đi lính. Ngày 20/02/1965, khi bọn cảnh sát đến chùa vây ráp, trụ trì chùa là hòa thượng Thạch Gồng cùng các sư sãi và phật tử đã dùng cây, đá chống lại. Địch sử dụng trái cay đàn áp và bắt một số thanh niên, sư sãi đưa về Trà Vinh.

– Cuộc đấu tranh do chùa tham gia tổ chức diễn ra vào ngày 05/9/1969.

Ngày 05/9/1969, chùa Champabôrây tham gia tổ chức cuộc biểu tình. Đại đức Lâm Neo trụ trì, đại đức Kim Cộng phó trụ trì chùa và các vị acha Thạch Quyên, Thạch Ớt, Sơn Cù, Trần Phinh… cùng ông Dương Xúc (tức Khuộk) – Trưởng ban, Thạch Hưa – Phó trưởng ban quản trị chùa đứng ra vận động, tổ chức. Cuộc biểu tình này cũng có sự phối hợp và chỉ đạo từ hòa thượng Trần Dạnh – Hội phó Hội Sư sãi yêu nước khu Tây Nam Bộ cùng tổ chức Hội Sư sãi yêu nước tỉnh.

Đoàn biểu tình có khoảng 3.000 sư sãi và đồng bào tham gia trong đó có sư sãi và bổn đạo của chùa Champabôrây hơn 400 người. Lực lượng biểu tình bao gồm lực lượng trực tiếp đấu tranh trực diện, lực lượng hậu cần phục vụ cơm nước, băng cờ, loa phóng thanh, thuốc men cho đoàn biểu tình. Ngoài lực lượng của Châu Thành, còn có lực lượng sư sãi và đồng bào các chùa lân cận ở huyện Trà Cú tham gia.

Đoàn biểu tình tập trung tại chùa Champabôrây vào ngày 04/9/1969, đến chiều cùng ngày nhà chùa tổ chức họp ban chỉ huy với sự có mặt và phát biểu ý kiến của hòa thượng Trần Dạnh.

Sáng sớm ngày 05/9/1969, chùa tổ chức cho những người tham gia biểu tình dùng cơm nước, đồng thời chuẩn bị bánh, nước uống để phục vụ trên đường đi. Mục tiêu tập kết đấu tranh là dinh tỉnh trưởng Vĩnh Bình. Đoàn biểu tình được tổ chức đi bằng hai mũi, một mũi theo tỉnh lộ 36 (quốc lộ 54 hiện nay), một mũi theo đường cặp sông Long Bình (đường Đồng Khởi hiện nay). Trên đường đi cả hai mũi đều bị địch đưa lực lượng ra ngăn chặn, chúng sử dụng súng, lựu đạn cay để đàn áp. Thế nhưng đoàn biểu tình đã bất chấp hiểm nguy, bằng sự thuyết phục khéo léo để cuối cùng các mũi cũng đến được đích. Cùng lúc ấy thì các đoàn khác cũng tập trung về. Trước áp lực với quy mô lớn của quần chúng, buộc tên tỉnh trưởng Tôn Thất Đông phải trực tiếp nhận yêu sách kiến nghị. Trong cuộc biểu tình này, riêng chùa Champabôrây có một vị sư đã trúng đạn bị thương đó là sư Lưu Rone.

– Cuộc đấu tranh chống bắt sư sãi đi lính ngày 08/8/1972.

Xuất phát từ việc địch bắt hai vị sư của chùa là Thạch Ba Nha, Thạch Chrọm đưa về giam giữ tại trụ sở tề xã Đa Lộc. Phó trụ trì chùa Kim Cộng cùng acha Dương Thông, acha Trần Phinh, Thạch Cuộne và nhiều vị trong Ban quản trị như ông Dương Xúc (Khuộk), Thạch Hưa đứng ra tổ chức hơn 150 sư sãi, phật tử đấu tranh.

Chiều ngày 08/8/1972, đoàn biểu tình kéo đến tề xã đòi chúng phải thả hai vị sư. Trước sức ép của quần chúng, bọn tề xã Đa Lộc báo cáo lên cấp trên và yêu cầu cho lực lượng chi viện. Chúng đã cho Tiểu đoàn 404 từ Trà Vinh tăng viện đồng thời chuẩn bị sẵn xe GMC để bắt thêm một số sư sãi. Địch đã sử dụng súng, lựu đạn cay đe dọa, uy hiếp tinh thần những người tham gia biểu tình. Trong lúc cuộc đấu tranh giằng co chúng bắt thêm bốn vị sư nữa gồm: Thạch Cuộne, Thạch Canh, Thạch Hương và Thạch Song, áp tải lên xe đưa đi Cần Thơ giam giữ ở Trung tâm Cải huấn Phong Dinh. Phong trào đấu tranh những ngày sau đó diễn ra liên tục và quyết liệt ở nhiều nơi. Đến ngày 21/8/1972, địch buộc phải thả các vị sư mà chúng đã bắt về chùa.

– Cuộc biểu tình có quy mô lớn, chuẩn bị cho chiến dịch Tổng tiến công và nổi dậy mùa xuân năm 1975.

Cuộc biểu tình này diễn ra vào ngày 26/02/1975 do Tỉnh ủy, Huyện ủy lãnh đạo; ông Thạch Quơl (Tư Quên) – Chủ tịch Ủy ban Mặt trận dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam huyện Châu Thành, Trưởng ban Khmer vận huyện chỉ đạo; ông Nhan Buôl – Cán bộ cơ sở xã Đa Lộc lĩnh hội và triển khai cho đại đức Lâm Neo cùng các vị acha chùa Champabôrây tổ chức thực hiện.

Tham gia cuộc biểu tình có hơn 3.000 lực lượng của huyện Châu Thành, Trà Cú, Cầu Ngang. Riêng chùa Champabôrây có khoảng 500 sư sãi và phật tử.

Chiều ngày 25/02/1975, lực lượng biểu tình gần 2.500 người đã tập trung tại chùa Champabôrây. Nhà chùa đã tổ chức, sắp xếp nơi ăn nghỉ, chỗ hội họp đồng thời đảm nhận công tác hậu cần chuẩn bị thức ăn, nước uống, thuốc men phục vụ cho cả đoàn trong thời gian tham gia biểu tình. Đại đức Lâm Neo và đại đức Kim Cộng cùng các vị achar Dương Thông, Sơn Kù, Trần Phinh, Thái Sen tham gia lãnh đạo. Bên cạnh đó còn có sự phối hợp của các vị hòa thượng, đại đức trong Ban Sãi vận cùng Hội Sư sãi yêu nước của tỉnh và huyện Trà Cú như hòa thượng Trần Dạnh, thượng tọa Kim Sum, achar Thạch Chane Thria Phi Rum… Tham gia trực tiếp còn có các vị achar từ các chùa của huyện Cầu Ngang như achar Thạch Sa Rong (chùa Chông Mê So Chás), achar Thạch Sanh (chùa Thlốt), achar Thạch Thal (chùa Kom Pong Tuk), achar Thạch Rên (chùa Can Snom), achar Thạch Sên (chùa Phiêu). Riêng thành phần Ban chỉ huy cuộc biểu tình của chùa Champabôrây do achar Dương Thông làm chỉ huy trưởng, achar Trần Phinh làm chỉ huy phó. Các bộ phận phục vụ biểu tình được phân công nhiệm vụ cụ thể như phần hậu cần do achar Thạch Luôn cùng Ban quản trị chùa đảm trách chung. Các ông Dương Xúc (Khuộk) – Trưởng Ban quản trị chùa, ông Thạch Hưa – Phó Ban quản trị chùa lo vận động gạo, thịt, cá, mắm, muối, nấu nướng, gói bánh, lo cơm nước phục vụ đảm bảo cho đoàn biểu tình. Phần lo về y tế do achar Thạch Cuộne đảm trách.

Chiều ngày 25/02/1975, Ban chỉ huy cuộc biểu tình họp tại Sala Pali chùa Champabôrây để phân công nhiệm vụ từng mũi và quy định ngày giờ xuất phát. Đoàn biểu tình được chia ra thành 3 mũi, xuất phát lúc 5 giờ sáng ngày 26/02/1975.

Trên đường đi đoàn biểu tình bị địch ngăn chặn ở nhiều nơi như: tại ngã ba Đa Lộc, tại chùa Kompông Chrây và chốt chặn gay go nhất là gần ngã tư đường đi chùa Khươne. Nhưng với tinh thần dũng cảm, các vị sư sãi cùng đồng bào trong đoàn vẫn không chùn bước. Trên đường từ hướng chùa Khươne đi về hướng sông Long Bình, địch cho xe theo giám sát các đoàn biểu tình, chúng đã ra hiệu bắt achar Dương Thông nhưng ông đã kịp thời trốn thoát. Chúng đã sử dụng lựu đạn cay và bắn cả đạn thật vào đoàn biểu tình để uy hiếp. Cuộc đấu tranh giằng co quyết liệt, cuối cùng bọn lính và tên Tỉnh trưởng buộc lên xe bỏ chạy, các sư sãi cũng lần lượt rút về chùa.

Ngoài thành tích nổi bậc trong đấu tranh chính trị, chùa Champabôrây còn có những đóng góp tích cực trong công tác binh vận như: Từ năm 1968 đến 1975 các vị sư sãi của chùa tích cực tham gia vận động binh lính buông súng trở về với gia đình. Mỗi năm có khoảng 10 người là những người rời bỏ hàng ngũ địch và những người trốn lính trong đó có cả con em người Kinh đã vào chùa tu học. Ngoài số thanh niên đúng tuổi trốn quân dịch còn có số thanh thiếu niên vào chùa tu theo phong tục, cho nên hàng năm số lượng sư sãi của chùa khoảng 120 vị, riêng đầu năm 1975 lên đến 167 vị. Đặc biệt, trong chiến dịch Tổng tấn công và nổi dậy xuân Mậu Thân 1968, Đa Lộc là điểm chỉ đạo của Huyện ủy. Dưới sự lãnh đạo của Chi ủy, Chi bộ Đảng xã Đa Lộc trực tiếp là đồng chí Nguyễn Văn Canh – Bí thư Chi bộ đã phối hợp với sư cả Thạch Gồng, vận dụng linh hoạt hai mũi giáp công chính trị và quân sự kết hợp với công tác binh vận nên đã làm tốt công tác này. Với uy tín của mình, sư cả cùng với các vị sư trong chùa phối hợp với đồng chí Kim Mơne, cán bộ huyện tăng cường đã vận động lấy được nhiều đồn bót của địch như: đồn Khu 5, đồn Trụ Sở, đồn Phnô Sưl… thu nhiều chiến lợi phẩm, góp phần giải phóng hoàn toàn xã Đa Lộc. Riêng sư cả Thạch Gồng còn cùng với cán bộ cách mạng đi vận động lấy được đồn Tiêu Hỹ Sang ở ấp Thanh Nguyên, xã Thanh Mỹ (nay thuộc xã Mỹ Chánh) là một đồn lớn, kiên cố có nhiều quân canh gác. Toàn bộ binh sĩ đã ra hàng, ta thu được nhiều chiến lợi phẩm.

Về nuôi chứa bảo vệ cán bộ, thời kỳ 6 năm chính trị 1954 – 1960, đồng chí Trần Văn Sai – Bí thư Chi bộ xã Đa Lộc, đồng chí Dương Phai đều là cán bộ hoạt động từ 9 năm kháng chiến chống Pháp đã vào chùa tu và tiếp tục con đường cách mạng được nhà chùa đùm bọc, chỡ che. Đặc biệt, sự kiện  đồng chí Đồng Văn Cà -Tỉnh ủy viên, Bí thư Huyện ủy Châu Thành không may bị địch bắt vào tháng 8/1956, chúng tìm mọi cách để khai thác thông tin. Để đánh lạc hướng kẻ thù, đồng chí khai cất giấu tài liệu ở tháp hài cốt trong khuôn viên chùa. Khi địch dẫn đồng chí đi lấy chẳng những không tìm thấy mà còn bị ong trong tháp đốt. Tức giận bọn chúng dùng nhục hình tra tấn nhận đồng chí xuống hồ nước bên trái cổng chính của chùa. Các vị sư trong chùa lập tức đứng ra ngăn cản không cho chúng tra tấn đồng chí. Trước sức ép đấu tranh với những lời lẽ thuyết phục của các vị sư buộc bọn chúng phải dừng tay.

Những năm 1969 – 1970, sư Thạch Cuộne làm y tá tại chùa, khi có cán bộ bị bệnh, bị thương vào chùa ông đã điều trị hoặc sơ cứu rồi chuyển về tuyến sau. Ngoài ra, nhà chùa cũng đã bí mật nuôi chứa, bảo vệ an toàn cho một số cán bộ ăn ở hoạt động hoặc đến liên hệ công tác, tiêu biểu như đồng chí Dương Phai, Nhan Buôl, Huỳnh Phước Long, Bùi Văn Ní, Nguyễn Văn Bảo, Sơn Vàng, Sơn Thị Phai, Sơn Kích, Sơn Vít, Dương Văn Chép, Dương Thị Tri…

Về đóng góp tài lực cho cách mạng, trong giai đoạn kháng chiến chống Mỹ nhà chùa đã tổ chức quyên góp lương thực, tiền của vào những dịp phật tử đến chùa rồi bí mật gởi cho cán bộ cách mạng. Nhiều con em là sư sãi khi hoàn tục hay bổn đạo của chùa đã thoát ly theo cách mạng kháng chiến như: Nhan Buôl, Sơn Kích, Sơn Vít, Dương Văn Chép, Dương Thị Tri, Kim Thị Sarêu, Kim Thị Sướt, Thạch Phai, Thạch Sambáte, Dương Sương. Một số đồng chí đã anh dũng hy sinh như: Dương Phai, Dương Mết, Thạch Trương, Sơn Hớs, Huỳnh Sất, Sơn Thị Siết. Một số đồng chí là thương binh như: Sơn Vàng, Sơn Thị Phai, Thạch Minh Chánh. Đặc biệt, nhiều gia đình có từ 2 đến 4 người thoát ly theo cách mạng, điển hình như gia đình đồng chí Dương Văn Chép có 4 người, gia đình đồng chí Sơn Vàng có 3 người, gia đình Thạch Minh Chánh, gia đình Kim Thị Sarêu có 2 người, một số gia đình có 1 người và nhiều gia đình là cơ sở của cách mạng.

Chùa Champabôrây có nhiều đóng góp cho cách mạng trong kháng chiến, là ngôi chùa tiêu biểu trong phong trào đấu tranh chính trị chống Mỹ Ngụy ở Trà Vinh. Việc bảo tồn và phát huy giá trị di tích sẽ góp phần vào giáo dục truyền thống yêu nước, giáo dục các giá trị văn hóa nhân văn cho thế hệ hôm nay và mai sau.

 

BÀI VIẾT CŨ HƠN

TRA CỨU THÔNG TIN

Từ khoá: Tiêu đề hoặc Nội dung ngắn gọn