Cổ Tông Miếu tọa lạc ở Khóm 2, Thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh. Cổ Tông Miếu nằm cách thành phố Trà Vinh khoảng 7 km về hướng Nam.
Theo tấm bảng bằng đá được lưu giữ tại Cổ Tông Miếu, hiện nay các chữ khắc trên bia đá đã bị mờ, trên tấm bia đá còn đọc được một số chữ trong đó có 02 chữ Hán 己巳 (Kỷ Tỵ), theo nhận định các vị cao niên tại miếu, năm kỷ tỵ này là năm 1869. Xét thời gian người Hoa Triều Châu di cư về vùng đất Châu Thành sinh sống, ta có thể kết luận Cổ Tông Miếu được xây dựng vào khoảng năm này, cách nay hơn 150 năm.
Khi mới xây dựng, ngôi miếu vô cùng đơn sơ chỉ bằng cột kê, lợp lá. Đến năm 1940 (Canh Thìn), Ban hội Cổ Tông Miếu tiến hành tu bổ ngôi miếu quy mô, kiên cố và có kiểu dáng kiến trúc như hiện nay.
Ông Thạch Bồi – Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch tỉnh Trà Vinh thay mặt UBND tỉnh trao Bằng xếp hạng di tích cấp tỉnh “Di tích kiến trúc nghệ thuật Cổ Tông Miếu, khóm 2, thị trấn Châu Thành, huyện Châu Thành, tỉnh Trà Vinh”
Cổ Tông Miếu có diện tích 210,91m2 mặt tiền quay về hướng Đông. Mặt bằng tổng thể gồm ba tòa nhà nằm ngang song song là tiền điện, trung điện và chính điện, có hình chữ Tam (三). Dọc hai bên là hai dãy nhà Đông lang, Tây lang hướng vào ba tòa nhà này tạo thành một công trình khép kín như hình chữ “khẩu”, giữa các tòa nhà là sân thiên tĩnh. Từ ngoại thất đến nội thất của công trình, nơi đâu cũng có nghệ thuật chạm khắc và trang trí độc đáo, thể hiện rõ nét văn hóa của người Hoa.
Mặt chính của miếu có 03 cửa, một cửa ra vào điện thờ, hai cửa 2 bên ra vào Đông lang và Tây lang. Bên trong tiền điện có hai cửa đối diện nhau thông ra Đông lang và Tây lang hợp cùng hai cửa trước của Đông lang, Tây lang tạo thành ngũ môn kín. Mái miếu thiết kế tầng bậc, cong hình thuyền, lợp ngói âm dương tiểu đại, ngói bịt đầu mái tráng men màu xanh ngọc. Khung sườn chịu lực làm bằng gỗ.
Hình ảnh tại lễ đón nhận
Nội thất miếu bố trí, trang trí các khánh thờ, bàn thờ, hoành phi, liễn đối, phù điêu, biển bức, tranh vẽ độc đáo. Đặc biệt là lối trang trí cầu kỳ, chi tiết thông qua các mảng chạm khắc gỗ với đề tài đa dạng từ muông thú, hoa, dây lá đến các linh thú như tứ linh cùng tùng, trúc, cúc, mai… được tạo tác qua kỹ thuật chạm nổi, chạm thủng tạo nên tuyệt tác điêu khắc độc đáo, tinh xảo cho ngôi miếu. Các bàn thờ được trang trí hình ảnh long, lân, phụng, hoa lá … được chạm khắc sắc sảo. Màu sắc chủ đạo sơn phết trong miếu là màu đỏ truyền thống của người Hoa. Theo quan niệm của người Hoa, đây là màu sắc thể hiện sự sung túc, giàu có, hạnh phúc. Bên ngoài miếu sơn nền màu vàng thể hiện sự cao quý, sang trọng.
– Rào cổng: Rào cổng miếu được xây dựng lại vào năm 2002 bằng xi măng cốt thép, mái lợp ngói vảy cá. Hàng rào theo kiểu ly tâm, cột tròn. Cổng miếu được xây dựng theo dạng cổng tam quan, trên cổng có bức biển bằng chữ Hán đắp nổi trên tường 古 宗 廟 (Cổ Tông Miếu), chữ màu đỏ trên nền khung màu vàng. Cổng có trụ cột vuông, bên trên có mái che. Trên mái gắn tượng song long tranh châu (song long chầu nguyệt), bờ nóc trang trí tượng rồng, các đầu đao trang trí hoa văn mây uốn lượn.
– Tiền điện: Công trình kiến trúc có diện tích 28,86 m2. Mái lợp ngói âm dương tiểu đại, nền lát gạch men. Tiền điện có diềm mái làm bằng gỗ, chạm khắc rất công phu, tỉ mỉ đề tài song long tranh châu, vân, các họa tiết hoa sen, dây lá cách điệu,… tạo nên điểm nhấn nổi bật cho ngôi miếu. Các đầu xà chạm khắc đầu rồng, dây lá cách điệu. Trên mái tiền điện ở giữa gắn tượng gốm song long tranh châu (song long chầu nguyệt), ở gờ hai đầu hồi hai bên trang trí lá hóa long.
Sảnh là mặt tiền của miếu được trang trí rất công phu. Toàn bộ vách sảnh trang trí các phù điêu, tranh vẽ trực tiếp lên tường. Các tranh vẽ thể hiện đề tài bình hoa, hoa mai, hoa đào… hình ảnh này thể hiện ước muốn khỏe mạnh, may mắn cho bà con. Phù điêu bên trái gồm bốn vị tiên là Lý Thiết Quài cầm bầu trói, Lam Thái Hòa cầm giỏ hoa, Tào Quốc Cựu cầm ngọc quyển, Hà Tiên Cô cầm đóa sen. Phù điêu bên phải gồm bốn vị tiên: Hàn Tương Tử thổi sáo, Hán Chung Ly cầm quạt, Lã Đồng Tân cầm phất trần, đeo kiếm và Trương Quả Lão cầm sênh. Đồ án biểu trưng cho sự trường sinh bất tử.
Kế bên là bức tranh đề tài 進 禄 (tiến lộc) vẽ một vị quan mặc áo xanh và thiếu nữ áo đỏ, đối diện là một vị quan áo đỏ, thiếu nữ áo đỏ. Vị quan và thiếu nữ y phục xanh, y phục đỏ biểu trưng cho “quan lộc”. Màu xanh chữ Hán là 綠 (lục) đồng âm với 禄 (lộc) tức bổng lộc, màu đỏ chỉ quan chức.
Phía dưới là hình ảnh quả đào đắp nổi. Đối với người Hoa, quả đào còn được gọi là thọ đào với ý nghĩa trường thọ, sống lâu thể hiện cho sự bền vững.
Vách tường bên tả đắp nổi hình ảnh con Kỳ Lân với thân tròn, đầu có bờm như sư tử, đuôi như đuôi bò, chân có lông cách điệu hình đao lửa, bàn chân có bốn móng vuốt, mặt ngắn quay 90 độ so với trục thân, miệng há vừa có răng nanh ngắn, đầu không có sừng; xung quanh Kỳ Lân có hình ảnh phong cảnh, cây lá cùng đường nét vân (mây) tạo tính thiêng hóa cho linh thú. Vách tường bên hữu đắp nổi hình ảnh con voi trên nền cỏ, xung quanh có hình ảnh thiên nhiên đặc biệt là hình ảnh cây tùng thể hiện ước muốn cuộc sống vững chảy.
Cửa miếu được làm bằng gỗ, hai cánh cửa vẽ hình tượng Môn thần Tần Thúc Bảo mặt đỏ cánh bên tả và Uất Trì Cung mặt đen cánh bên hữu đứng cầm giáo, mặc giáp trụ bảo vệ bình yên cho chùa trông uy nghi lẫm liệt.
Bước vào cửa miếu, phía trên ở giữa hai cột tiền điện là hoành phi bằng gỗ khắc nổi bốn chữ Hán màu vàng trên nền màu đen: 北 極 威 靈 (Bắc Cực Uy Linh), lạc khoản bên tả có câu: 甲 寅 年 秋 吉 立 (Giáp Dần niên thu nguyệt cát lập – Lập tháng mùa thu năm Giáp Dần 1914), lạc khoản bên hữu có câu: 沐 恩 胡 門 信 女 張 德 壽 酧 謝 (Mộc ân Hồ môn tín nữ Trương Đức Thọ thù tạ – Chịu ơn tín nữ nhà họ Hồ là Trương Đức Thọ trả ơn).
Trên thân hai cột tiền điện chạm nổi 02 câu liễn đối bằng chữ Hán:
往 事 昭 昭 億 萬 世 長 傳 宇 宙 (Vãng sự chiêu chiêu ức vạn thế trường truyền vũ trụ – Sự việc đã qua, tỏ tõ muôn triệu đời mãi truyền trong vũ trụ)
精 忠 耿 耿 千 百 年 猶 在 人 (Tinh trung cảnh cảnh thiên bách niên do tại nhân gian – Lòng thành thanh khiết, lấp lánh trăm nghìn năm vẫn còn ở nhân gian)
Tiền điện có hai cửa thông ra Đông lang, Tây lang. Phía trên cửa thông ra Đông lang chạm nổi 4 chữ Hán:
民 康 – 咸 沾 Dân khang – Hàm triêm (Dân mạnh – thấm khắp)
Phía trên cửa thông ra Tây lang chạm nổi 4 chữ Hán:
安 寧 – 物 阜 An ninh – Vật phụ (Yên ổn – Vật thịnh)
Trên các cánh cửa Đông lang và Tây lang được chạm nổi trang trí những đề tài mỹ thuật độc đáo như chim, hoa lá, trúc, mai… Trong nghệ thuật chạm khắc gỗ, hình tượng trúc và mai được xem là một biểu tượng may mắn, hạnh phúc.
Trên các thân xà ở tiền điện được vẽ rất kỳ công, độc đáo trên gỗ về đề tài hoa điểu (chim hoa), tranh tĩnh vật, họa tiết dây lá, mâm bồng, lọ hoa, các tích truyện cổ Trung Quốc… Các mảng ghép chạm thủng hình ảnh muông thú như dương (dê), thố (thỏ), chim, hạc, chuột, cá,… và họa tiết dây lá cách điệu mềm mại, sinh động đậm nét truyền thống văn hóa của người Hoa.
– Trung điện: Là công trình kiến trúc có diện tích 29,12 m2, có 02 thiên tỉnh (giếng trời) ở hai bên và đắp nổi hai phù điêu bằng xi măng “tả Thanh Long”, “hữu Bạch Hổ” theo thế phong thủy xưa. Kiểu thức kiến trúc này thường thấy ở các cơ sở tính ngưỡng của người Hoa tạo nên khoảng không gian sáng tối huyền bí, linh thiêng cho ngôi miếu.
Trung điện có 4 cột gỗ vuông, kê chân cột là các tảng đá 3 tầng đế vuông, giữa là hình bát giác cánh sen và trên hình tròn.
Trên các thân xà, đầu xà của trung điện điều được chạm khắc và ghép các mãng chạm khắc bằng gỗ đề tài tứ linh, muông thú, dây lá, các tích truyện cổ Trung Quốc…được tác tạo rất công phu, sinh động đậm nét truyền thống văn hóa của người Hoa. Đặc biệt là chạm nổi linh vật con Kỳ Lân với hình dáng uyển chuyển, sống động, nét mặt biểu đạt sự vui tươi. Hai bên tả, hữu đều trang trí hai con Kỳ Lân đối xứng nhau tạo nên bố cục cân đối âm dương giao hòa. Trên các góc giao nhau giữa xà và cột gắng các phù điêu hoa lá cách điệu. Phía trên ở giữa hàng cột thứ hai gắn hoành phi khắc nổi bốn chữ Hán màu vàng trên nền màu đỏ 神 力 扶 佑 (Thần lực phù hựu – Sức Thần phò hộ giúp đỡ).
– Chính điện: là công trình kiến trúc có diện tích 57,33 m2 là nơi quan trọng nhất tập trung bàn thờ các bậc thánh thần gồm ba gian thờ. Vị trí chính điện của điện thờ, thờ Hiệp Thiên Đại Đế (Quan Công) và Huyền Thiên Thượng Đế (Bắc Đế), hai gian tả, hữu thờ các vị thần Thiên Hậu Thánh Mẫu, Phúc Đức Chính Thần cùng Xích Thố, Tiền Hiền, Hậu Hiền. Các vị thần này đã trở thành niềm tin bất diệt, đại diện cho những ước mơ, khát vọng, phù hộ cho cộng đồng người Hoa ở Châu Thành luôn gặp được may mắn, thuận lợi trong cuộc sống.
Nghệ thuật chạm khắc trên các cây xà trong chính điện cũng được chú trọng với hình tượng cuốn thư – một trong những mô típ trang trí của bộ bát bửu mang lại may mắn, thư thái tâm hồn, hình ảnh hoa lá cách điệu, chim muông được chạm thủng trên những mảng ghép trên các thân xà một cách công phu, độc đáo.
Chính điện có bốn cột vuông bằng gỗ, trên thân cột trang trí các câu liễn đối khắc trên gỗ.
道 本 玄 通 總 攝 雲 源 歸 静 穆 (Đạo bổn huyền thông tổng nhiếp vân nguyên quy tĩnh mục – Đạo lý huyền thông, tất cả nuôi dưỡng).
魔 凴 武 伏 還 將 生 氣 寓 威 嚴 (Ma bằng võ phục hoàn tương sinh khí ngụ uy nghiêm – Người làm mê hoặc, sức mạnh ẩn tàng sẽ khôi phục sinh khí, ký thác uy linh).
先 武 穆 而 神 大 漢 千 古 大 宋 千 古 (Tiên vũ mục nhi thần đại Hán thiên cổ đại Tống thiên cổ – Trước võ nguy nga, mà thần đại Hán nghìn thuở, đại Tống nghìn thuở).
後 文 宣 而 聖 山 東 一 人 山 西 一 人 (Hậu văn tuyên nhi thánh Sơn Đông nhất nhân Sơn Tây nhất nhân – Sau văn phát dương, mà thánh Sơn Đông chỉ một người, Sơn Tây chỉ một người)
Nội thất Cổ Tông Miếu còn có hai dãy Đông lang và Tây lang, Cửa chính vào Đông lang được làm bằng gỗ, trên hai cánh cửa chạm nổi hình ảnh hai tiên nữ, long, phụng trong bộ tứ linh. Tay nắm cửa làm bằng gỗ hình mặt hổ phù dữ tợn, phía trên cửa được khắc nổi bốn chữ Hán sơn màu vàng trên tấm gỗ nền màu đỏ, có nội dung: 光 明 紫 極 (Quang minh tử cực – Sáng rực tận cùng “bầu trời”) Hai bên cửa có câu đối bằng Hán tự: 玄 徒 扶 助 恩 再 造 (Huyền đồ phù trợ ân tái tạo – Huyền đồ phò giúp ơn tái tạo) 慈 雲 普 祭 保 群 生 (Từ vân phổ tế bảo quần sinh – Mây lành phổ tế hộ chúng sanh) Cửa vào Tây lang cũng được làm bằng gỗ, trên hai cánh cửa Tây lang chạm nổi hình ảnh hai tiên nữ, con Kỳ Lân và Cọp. Tay nắm cửa cũng làm bằng gỗ hình mặt hổ phù dữ tợn, phía trên cửa vào Tây lang cũng khắc nổi bốn chữ Hán sơn màu vàng trên nền tấm gỗ màu đỏ, nội dung: 明 珠 普 照 (Minh châu phổ chiếu – Ngọc sáng chiếu khắp) Hai bên cửa có câu đối bằng Hán tự có nội dung: 風 調 雨 順 民 安 樂 (Phong điều vũ thuận dân an lạc – Mưa thuận gió hòa dân an lạc) 海 晏 河 清 卋 泰 平 (Hải yến hà thanh thế thái bình – Sông trong biển lặng đời thái bình)
Di tích Cổ Tông Miếu là trung tâm tín ngưỡng của người Hoa từ thời khai hoang mở cõi, minh chứng cho một giai đoạn lịch sử của vùng đất Nam Bộ nói chung và vùng đất Châu Thành – Trà Vinh nói riêng, đó là giai đoạn mà vùng đất này tiếp nhận những cư dân thuộc các dân tộc khác nhau đến khai phá, lập nghiệp trong đó có người Hoa.
Qua di tích Cổ Tông Miếu, ta biết được đặc trưng văn hóa nhất là thành tố văn hóa kiến trúc, văn hóa lễ hội, hệ thống tín ngưỡng của người Hoa nói chung và người Hoa ở Trà Vinh nói riêng. Ngôi miếu không chỉ là không gian thờ tự thần thánh, mà còn là công trình kiến trúc nghệ thuật, lưu trữ những tác phẩm nghệ thuật truyền thống độc đáo, mang đậm nét văn hóa dân tộc Hoa.
Cổ Tông Miếu cũng là điểm đến để công chúng tìm hiểu, nghiên cứu, học tập văn hóa người Hoa; là trung tâm sinh hoạt, giáo dục có giá trị kết nối cộng đồng sâu sắc qua các đối tượng thờ tự và lễ hội tại miếu. Qua các lễ hội còn là dịp để mọi người về đây vui chơi giải trí, giao lưu cộng cảm, trao truyền đạo lý giữa con người với con người, giữa cá thể với cộng đồng, thắt chặt tinh thần đoàn kết trong cộng đồng.