Nhằm đẩy mạnh phong trào khởi nghiệp, giúp thanh niên lập thân, lập nghiệp, Hội LHTN Huyện đã chú trọng đến việc duy trì Câu lạc bộ thanh niên khởi nghiệp huyện. Đây là nơi sinh hoạt, trao đổi, học hỏi những kinh nghiệm sản xuất,… giúp thanh niên phát triển kinh tế.
CLB Thanh niên khởi nghiệp huyện gồm 08 thành viên, là nơi các thanh niên cùng nhau hỗ trợ, giúp đỡ, hướng dẫn cho nhau nâng cao nhận thức, tinh thần khởi nghiệp, tìm kiếm các ý tưởng sáng tạo khởi nghiệp; đồng thời kết nối các thanh niên có ý tưởng khởi nghiệp thông qua hoạt động của CLB; cung cấp kiến thức, kỹ năng về khởi nghiệp và lập nghiệp cho thanh niên tại địa phương.
Ngay từ đầu năm, CLB đã triển khai cho hội viên về xây dựng mô hình phát triển kinh tế tại địa phương. Mô hình “Nuôi cá lóc thương phẩm” của anh Trần Nam Tâm, thành viên CLB là một trong các mô hình khởi nghiệp tiêu biểu. Mô hình bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế khá cao, hiện anh đang có 02 ao nuôi, thời gian nuôi khoảng 06 tháng sẽ đạt trọng lượng của mỗi con là 1,2 đến 1,6kg là thu hoạch, mỗi ao sẽ cho thu hoạch tầm 1,5 tấn/1 ao nuôi; thị trường đầu ra của cá lóc thương phẩm tiếp tục ổn định hiện nay giá cá lóc được thương lái thu mua từ 45.000đ – 55.000đ/kg. Thời gian tới, anh Tâm cũng có dự định sẽ tiếp tục mở rộng khoảng 3 đến 4 ao nuôi.
Mô hình “Nuôi cá lóc thương phẩm” của anh Trần Nam Tâm, thành viên CLB khởi nghiệp
Khởi nghiệp từ sản phẩm đặc sản Mắm cá mề của chị Lê Thị Kim Cương cũng là một trong các mô hình của CLB thanh niên khởi nghiệp huyện. Với mong muốn giới thiệu sản phẩm đến với đông đảo người tiêu dùng, góp phần giữ gìn và phát triển ngành nghề truyền thống của địa phương. Thời gian đầu, do chưa có vốn nhiều, nên chị tận dụng từ ao nuôi của gia đình để hạn chế chi phí. Đến nay, sản phẩm Mắm các mề của chị đã tiếp cận và được sự ưa chuộng của khách hàng. Sản phẩm không sử dụng phẩm màu, không chất bảo quản; sử dụng hoàn toàn cá tự nhiên, đặc biệt là không cần thêm phụ gia khi chế biến nên đảm bảo an toàn sức khỏe người tiêu dùng.
Khởi nghiệp từ Đặc sản Mắm cá mề của chị Lê Thị Kim Cương, thành viên CLB khởi nghiệp huyện
Nét nổi bật của Câu lạc bộ là hoạt động tạo nguồn vốn vay và định hướng giúp các thành viên sử dụng vốn đúng mục đích. Trung bình năm, Câu lạc bộ vận động hội viên đóng góp vào quỹ chung một khoản nhất định để giúp đỡ một số thành viên khó khăn có nhu cầu vay vốn. Không chỉ giúp đỡ đoàn viên, thanh niên bớt khó khăn về nguồn vốn sản xuất, CLB còn giúp các thành viên tiếp cận kiến thức chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật, kinh nghiệm trong sản xuất, kinh doanh.
CLB thanh niên khởi nghiệp trên địa bàn huyện đã và đang khuyến khích, tạo điều kiện để thanh niên phát triển kinh tế với nhiều mô hình hay, cách làm hiệu quả, góp phần làm giảm tỷ lệ thất nghiệp tại địa phương. Cùng với đó, việc duy trì CLB sẽ góp phần giúp Hội LHTN Việt Nam huyện Châu Thành thu hút, tập hợp được thanh niên tham gia sinh hoạt Hội, xây dựng và củng cố tổ chức Hội ngày càng vững mạnh.
Hội LHTN Việt Nam huyện Châu Thành